Bà chủ Vietjet Air sắp trở thành nữ tỷ phú đô la đầu tiên của Việt Nam

Bà chủ Vietjet Air sắp trở thành nữ tỷ phú đô la đầu tiên của Việt Nam

Bà chủ Vietjet Air Nguyễn Thị Phương Thảo đã kiếm được hàng triệu USD đầu tiên nhờ việc bán 21 chiếc máy fax và mủ cao su. Gần 25 năm sau đó, bà đang trong hành trình vươn lên trở thành tỷ phú nữ tự thân đầu tiên của Đông Nam Á nhờ việc gây dựng thành công hãng hàng không giá rẻ Vietjet.

Cụ thể, nếu hãng hàng không tư nhân duy nhất của Việt Nam IPO, bà Thảo sẽ có tổng tài sản hơn 1 tỷ USD theo tính toán của Bloomberg, giúp bà trở thành nữ tỷ phú đô la đầu tiên của đất nước Việt Nam. Phần lớn tài sản của bà Thảo tới từ cổ phần tại Vietjet và khu bất động sản rộng 65 hecta Dragon City ở TP Hồ Chí Minh.

Bà chủ Vietjet Air sắp trở thành nữ tỷ phú đô la đầu tiên của Việt Nam

Bà chủ Vietjet Air sắp trở thành nữ tỷ phú đô la đầu tiên của Việt Nam

 

“Tôi không bao giờ ngồi và tính toán tài sản của mình”, bà Phương Thảo nói trong bài phỏng vấn với tờ Bloomberg mới đây. “Tôi chỉ tập trung vào việc làm thế nào thúc đẩy tốc độ phát triển của công ty, làm sao để tăng lương cho nhân viên, làm thế nào để Vietjet có thể giành được nhiều thị phần hơn và làm sao để chúng tôi có thể trở thành hãng hàng không số 1”.

Theo chia sẻ của bà Thảo, hiện Vietjet Air đang có ý định IPO trong khoảng 3 tháng tới và sẽ bán ra 30% cổ phần. Theo một nguồn tin thân cận thì hãng hàng không này hy vọng có thể nâng giá trị lên hơn 1 tỷ USD. Hiện tại bà Thảo đang sở hữu 95% cổ phần của công ty.

Khi được phỏng vấn, chuyên gia phân tích Võ Phúc Nguyên đến từ CIMB nói rằng: “Bà ấy không giống những người giàu có khác – thực sự thì bà Thảo khá kín tiếng tại Việt Nam. Bà ấy đã rất thành công với Vietjet Air. Bắt đầu từ con số không, hãng hàng không này hiện đã chiếm được hơn 30% thị phần tại Việt Nam chỉ sau vài năm”.

Ngoài Vietjet Air, theo một nguồn tin giấu tên thì bà Thảo còn sở hữu 90% cổ phần của Sovico Holdings – đơn vị sở hữu 90% của Dragon City. Bà Thảo mua khu đất này từ khoảng hơn 1 thập kỷ trước vốn là một khu đầm lầy.

Bà Thảo sở hữu cổ phần tại nhiều resort cao cấp

Bà Thảo cũng có một lượng lớn cổ phần tại 3 khu nghỉ dưỡng cao cấp ở Việt Nam gồm Furama Resort Đà Nẵng, Evason Ana Mandara Nha Trang và Ninh Vân Bay.

Cuối cùng, thông qua công ty của mình bà Phương Thảo còn nắm giữ 20% cổ phần tại HDBank – ngân hàng được xác định có khối tài sản lên tới 4,6 tỷ USD vào năm ngoái.

Bà chủ Vietjet Air sắp trở thành nữ tỷ phú đô la đầu tiên của Việt Nam

Bà chủ Vietjet Air sắp trở thành nữ tỷ phú đô la đầu tiên của Việt Nam

 

Hiện bà Thảo đang nắm giữ vị trí Phó chủ tịch ngân hàng này với 225 chi nhánh và hơn 10.000 nhân viên trên khắp cả nước.

Bước đột phá trong sự nghiệp kinh doanh của bà Thảo bắt đầu từ năm 1988 khi còn là sinh viên năm thứ 2 tại một đại học ở Moscow – tại đây bà theo học về tài chính và kinh tế. Bà bắt đầu khởi nghiệp với số tiền nhỏ, nhận phân phối quần áo, thiết bị văn phòng và hàng tiêu dùng từ các nhà cung cấp Nhật Bản, Hong Kong, Hàn Quốc và bán tại Nga.

“Tôi đã làm việc rất chăm chỉ và giành được niềm tin từ các nhà cung cấp bởi luôn thành thật. Tôi không có nhiều tiền vốn nhưng nhờ sự tin tưởng họ đã cho phép tôi nhận hàng trả chậm ngày càng nhiều hơn”.

3 năm sau đó, khi đã kiếm được hàng triệu USD đầu tiên, bà chuyển sang buôn bán thép, máy móc, phân bón và những hàng hoá khác.

Bà quay trở lại Việt Nam và đầu tư vào ngân hàng Techcombank và VIB – ngân hàng tư nhân đầu tiên tại Việt Nam. Sau đó, nộp đơn xin thành lập một hãng hàng không tư nhân.

Vietjet hiện được biết đến là hãng hàng không trẻ và có nhiều nét độc đáo. Các tiếp viên của hãng này thậm chí từng mặc bikini trên những chuyến bay khai trương tới địa điểm có biển.

Giải thích về quyết định này, bà Thảo cho biết: “Bạn có quyền mặc mọi thứ mình thích, dù là bikini hay áo dài. Chúng tôi không quan tâm tới việc mọi người sẽ liên tưởng hình ảnh của Vietjet Air với bikini. Miễn là mọi người cảm thấy vui, chúng tôi cũng hạnh phúc”.

Hiện tại tham vọng của bà Thảo là đưa Vietjet Air trở thành “Emirates của châu Á”. Hoạt động từ năm 2011, Vietjet bay tới 47 điểm đến trong nước và khắp châu Á. Nếu IPO thành công, rất có thể thời gian tới giá trị của Vietjet Air sẽ lớn hơn cả Asiana của Hàn Quốc và Finnair Oyj của Phần Lan.

“Bạn buộc phải đi đầu và chấp nhận rủi ro. Là một nữ doanh nhân, tôi có trách nhiệm đóng góp vào nền kinh tế và thúc đẩy những thay đổi tích cực cho đất nước và xã hội trong bối cảnh hội nhập như hiện nay”.

Theo Trí thức trẻ

 

Kết Nối Bạn Bè