Jetstar Pacific đổi tên thương hiệu, đẩy mạnh hợp tác cùng Vietnam Airlines

Theo thông tin mới nhất, Jetstar Pacific sẽ đổi tên thương hiệu thành Pacific Airlines với logo, bộ nhận diện thương hiệu mới và đẩy mạnh hợp tác phát triển cùng Vietnam Airlines. 

Vietnam Airlines và Tập đoàn Qantas (Úc) đã thống nhất xúc tiến những thay đổi đối với Jetstar Pacific nhằm cải thiện hoạt động sản xuất kinh doanh và khả năng lợi nhuận của hãng hàng không chi phí thấp này. Đồng thời thúc đẩy quy mô và sức mạnh thương hiệu của Vietnam Airlines tại thị trường nội địa.

Jetstar Pacific sẽ tiến hành các thủ tục cần thiết để đổi tên thương hiệu thành Pacific Airlines, với logo và bộ nhận diện thương hiệu mới được truyền cảm hứng từ màu sắc chủ đạo của Vietnam Airlines. Thời điểm Jetstar Pacific chính thức hoạt động dưới tên mới Pacific Airlines sẽ dựa theo quyết định của nhà chức trách.

Jetstar Pacific đổi tên thương hiệu, đẩy mạnh hợp tác cùng Vietnam Airlines

Bộ nhận diện và màu sơn máy bay dự kiến của Pacific Airlines

Hệ thống đặt chỗ của Pacific Airlines cũng sẽ chuyển đổi từ Navitaire sang Sabre để đồng bộ hoá mạng bay, các thủ tục đặt chỗ và tính năng dành cho khách hàng với Vietnam Airlines.

Vào tháng 7 năm 2020, Jetstar Pacific sẽ thay đổi tên và đổi tên thương hiệu thành Pacific Airlines. Từ ngày 28 tháng 7 năm 2020 Pacific Airlines sẽ vận hành hệ thống đặt chỗ và kênh bán hàng, và sẽ không còn là thực thể có thương hiệu Jetstar nữa.

Đối mặt với những thách thức chung của ngành hàng không do dịch COVID-19 gây ra. Hai cổ đông lớn của Pacific Airlines là Tập đoàn Qantas và Vietnam Airlines sẽ tiếp tục xem xét, cân nhắc kế hoạch và lộ trình tái cấu trúc hãng hàng không chi phí thấp này. Đồng thời thực hiện các thay đổi cần thiết liên quan đến cơ cấu cổ phần.

Thời gian qua, Vietnam Airlines, với vai trò cổ đông lớn đã tham gia tái cơ cấu mạnh mẽ Jetstar Pacific trên định hướng “thương hiệu kép”. Sau khi đổi tên thương hiệu, Vietnam Airlines và Pacific Airlines sẽ tiếp tục tạo ra chuỗi sản phẩm không chỉ đáp ứng nhu cầu đa dạng của khách hàng từ phân khúc chi phí thấp đến cao cấp, mà còn tăng thêm giá trị, lợi ích cho cả khách hàng và doanh nghiệp. Sự kết hợp này cho phép hai bên tận dụng lợi thế của nhau để mang đến cho khách hàng những quyền lợi tốt nhất với mức giá hấp dẫn nhất.

Jetstar Pacific ra đời năm 1991, có tên ban đầu là Pacific Airlines. Pacific Airlines cùng với Vietnam Airlines là 2 hãng hàng không thuộc sở hữu Nhà nước tại Việt Nam.

Năm 2008, Tập đoàn Qantas (Australia) mua lại 30% cổ phần Nhà nước tại Pacific Airlines.

Cuối năm 2011, Jetstar Pacific đứng trên bờ vực phá sản khi kinh doanh thua lỗ, lỗ lũy kế lên tới hơn 2.000 tỷ đồng. Để vực dậy hãng hàng không này, Chính phủ đã giao Vietnam Airlines tiếp nhận nguyên trạng phần vốn Nhà nước (gần 70% cổ phần) tại Jetstar.

Từ đó đến nay, Jetstar luôn được coi là hãng bay thành viên của Vietnam Airlines với vai trò khai thác phân khúc giá rẻ. Lịch sử 12 năm phát triển của Jetstar Pacific gắn liền với thua lỗ và các cuộc tái cơ cấu. Tính đến năm 2018, tổng lỗ lũy kế của hãng là khoảng 4.000 tỷ đồng.

Kết Nối Bạn Bè